Các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại
Trả lời:
Trong lĩnh vực kinh doanh, việc hiểu và áp dụng đúng các quy định về miễn trách nhiệm trong hợp đồng thương mại là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số trường hợp phổ biến và ví dụ minh họa điển hình:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại 2005, có 04 trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận
Quy định này thể hiện sự tôn trọng tự do ý chí của các bên trong việc giao kết hợp đồng thương mại. Bởi hợp đồng thương mại vốn dĩ dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể nào khác và không được trái với quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại. Do đó, việc các bên tự do thỏa thuận về các trường hợp được miễn thỏa thuận là hoàn toàn chính đáng.
Ví dụ: bên A ký hợp đồng mua bán 1 tấn gạo với bên B và trong hợp đồng hai bên đã thỏa thuận bên B có thể chậm giao hàng cho bên A muộn nhất là một tuần so với thời hạn trong hợp đồng mua bán giữa hai bên. Tức là là bên B có thể giao muộn hàng mà bên A không có quyền yêu cầu bên B bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm hợp đồng đối với B và đồng thời, khi A khởi kiện B ra tòa thì tòa án cũng sẽ không thể chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bên A được.
Trường hợp 2: Xảy ra sự kiện bất khả kháng
Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều này có nghĩa là hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn tới việc vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm. Sự kiện bất khả kháng thường được hiểu có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra như lũ lụt, … hoặc các hiện tượng xã hội như chiến tranh, cấm vận…Việc chứng minh có tồn tại sự kiện bất khả kháng thuộc về nghĩa vụ của bên vi phạm hợp đồng, nhưng việc bên đó được hay không được miễn trừ lại phụ thuộc vào bên bị vi phạm hoặc cơ quan chức năng có chấp nhận nó là sự kiện bất khả kháng hay không. Để được coi là sự kiện bất khả kháng với tính chất là căn cứ để miễn trách nhiệm trong vi phạm HĐTM cần thỏa mãn các dấu hiệu sau:
– Xảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng và đang thực hiện hợp đồng.
– Có tính chất khách quan, hoàn toàn do các yếu tố bên ngoài tác động và quyết định mà các bên tham gia HĐ không thể dự đoán trước được cũng như không thể tránh và khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết.
– Sự kiện đó là nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm hợp đồng.
Trường hợp 3: Hành vi vi phạm của hoàn bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Lỗi do vi phạm hợp đồng được quy định tại Điều 364 BLDS 2015. Bao gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý. Trong trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nói riêng lỗi của người vi phạm là lỗi mặc định (lỗi suy đoán) người vi phạm nghĩa vụ luôn bị coi là có lỗi nếu họ không chứng minh được rằng họ không có lỗi. Sự vi phạm hợp đồng của một bên xuất phát từ chính lỗi của bên kia thì bên vi phạm sẽ được miễn trừ trách nhiệm.
Ví dụ: Công ty A kí kết với công ty B hợp đồng gia công 1000 đôi giày. Theo đó, công ty A phải giao toàn bộ vật liệu gia công cho công ty B để công ty B tiến hành sản xuất. Tuy nhiên, công ty A đã giao vật liệu chậm hơn 2 tuần so với thỏa thuận dẫn đến việc đình trệ sản xuất khiến cho việc giao hàng của công ty B chậm trễ. Trong trường hợp này, nếu như trong hợp đồng không có thỏa thuận khác về việc chậm giao vật liệu và việc chậm giao vật liệu của công ty A không phải do bất khả kháng hoặc do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì xem như công ty A đã có lỗi khiến cho công ty B không thể thực hiện đúng hợp đồng nên công ty B được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp này.
Trường hợp 4: Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng
Khi áp dụng quy định miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp này, cần phải xác định rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, quyết định của CQNN có thẩm quyền được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 294 LTM 2005 phải được hiểu theo nghĩa rộng nó không chỉ bao gồm các loại văn bản hành chính chung, mà nó phải bao hàm các quyết định cá biệt, các nghị quyết cá biệt hay các văn bản hành chính khác như công văn, thông báo.
Thứ hai, nội dung quyết định phải trực tiếp làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm phải thực hiện hoặc không phải thực hiện một hành vi nhất định và việc thực hiện nghĩa vụ đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi vi phạm hợp đồng.
Thứ ba, bên vi phạm chỉ được miễn trách nhiệm khi quyết định của cơ quan có thẩm quyền tác động trực tiếp đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng nhưng quyết định đó là vì lợi ích chung chứ không xuất phát từ lỗi của các bên .Ví dụ: cơ quan có thẩm quyền ra quyết định niêm phong xưởng sản xuất công ty A vì lý do đã nợ ngân hàng quá hạn, việc niêm phong xưởng sản xuất công ty A khiến công ty A không thể sản xuất đủ số lượng hàng để chuyển giao cho công ty B. Đây không phải là trường hợp được miễn trách nhiệm
Ví dụ: Công ty A và công ty B ký hợp đồng dịch vụ tổ chức sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập công ty A tại nhà hàng X có địa chỉ tại quận 2, TP HCM với số lượng khách tham dự là 100 người. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, UBND TPHCM đã ban hành công văn số 1049/UBND về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn thành phố. Do phải thực hiện quy định này, công ty B đã không thể thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận. Trong trường hợp này, công ty B được miễn trách nhiệm vì việc không thực hiện hợp đồng hoàn toàn do phải tuân thủ theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết vào thời điểm giao kết hợp đồng
Những ví dụ trên giúp làm rõ các nguyên tắc miễn trách nhiệm trong hợp đồng thương mại, mang lại sự công bằng và đảm bảo cho tất cả các bên tham gia.