Thủ tục xin cấp Giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư

Thủ tục xin cấp Giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư được thực hiện như thế nào?

Các dự án đầu tư cần xin Giấy phép môi trường

Những dự án đầu tư cần xin giấy phép môi trường môi trường bao gồm các đối tượng được quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020:

  • Các dự án đầu tư nhóm I – Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, II – Dự án có nguy cơ tác động xấu tới môi trường, III – Dự án có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường cần được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại được quản lý (được phân loại theo Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường).
  • Dự án đầu tư hoạt động trước ngày 01/01/2022 nhưng có tiêu chí về môi trường như các đối tượng trên (thuộc nhóm I, II, III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải)

Lưu ý: Các dự án trên có thể được miễn giấy phép môi trường trong trường hợp là dự án đầu tư công khẩn cấp.

Trình tự thủ tục thực hiện:

Thẩm quyền cấp giấy phép môi trường: theo Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường 2020, 3 chủ thể có thẩm quyền cấp giấy phép là Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường được quy định tại Điều 43 Luật BVMT năm 2020 bao gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép môi trường
  • Báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường
  • Tài liệu pháp lý và kỹ thuật khác của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

Trình tự thực hiện: 

Bước 1: Chủ dự án đầu tư, cơ sở gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường đến cơ quan có thẩm quyền.

Hình thức gửi: trực tiếp, qua bưu điện hoặc trực tuyến

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ, công khai nội dung báo cáo, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật của nhà nước, bí mật doanh nghiệp.

Trường hợp dự án đầu tư có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản và đạt được sự đồng thuận của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi cấp giấy phép môi trường;

Trường hợp dự án đầu tư nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan cấp giấy phép môi trường phải lấy ý kiến bằng văn bản của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó trước khi cấp giấy phép môi trường.

Việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện trên cơ sở thẩm định báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành lập hội đồng thẩm định, đoàn kiểm tra theo quy định của Chính phủ.

Thời hạn cấp giấy phép:

  • Không quá 45 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
  • Không quá 30 ngày đối với giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
  • Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường có thể quy định thời hạn cấp giấy phép môi trường ngắn hơn so với thời hạn quy định trên phù hợp với loại hình, quy mô, tính chất của dự án đầu tư.

Phí thẩm định cấp giấy phép môi trường: mức phí thẩm định được tính theo tính chất và quy mô của từng dự án và được quy định cụ thể tại Thông tư 02/2022/TT-BTC.

Thủ Tục Chấp Thuận Chủ Trương Đầu Tư Của UBND Cấp Tỉnh

Bài viết liên quan
0988292673
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon