Trả lời:
- Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về khái niệm hộ kinh doanh như sau: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
- Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về khái niệm doanh nghiệp tư nhân như sau: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.”
Căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành về hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân, có thể nhận thấy sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân qua các điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, về chủ thể thành lập:
Đối với doanh nghiệp tư nhân chỉ duy nhất do một cá nhân thành lập và cá nhân đó phải chịu mọi trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Trong khi đó, đối với hộ kinh doanh, do tính chất của hộ kinh doanh có thể do một cá nhân thành lập hoặc các thành viên trong hộ gia đình cùng nhau thành lập.
Thứ hai, về quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần:
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp tư nhân sẽ không được thực hiện góp vốn thành lập cũng như việc mua cổ phần hoặc phần vốn góp đối với những mô hình công ty khác như công ty hợp danh, trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Còn đối với hộ kinh doanh, theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cá nhân, hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
Thứ ba, về phạm vi chủ thể được phép thành lập hộ kinh doanh:
Đối với doanh nghiệp tư nhân, người thành lập doanh nghiệp tuyệt đối không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc thành viên trong những công ty hợp danh (Khoản 3 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020). Tuy nhiên, đối với hộ kinh doanh, trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại, chủ hộ kinh doanh vẫn có thể đồng thời là thành viên hợp danh của công ty hợp danh (theo quy định tại Khoản 3 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Thứ tư, về điều kiện kinh doanh:
Doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn đối với hộ kinh doanh, trong trường hợp hộ kinh doanh là những hộ gia đình đang trực tiếp thực hiện việc sản xuất về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, muối hoặc thực hiện những hoạt động như buôn bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, dịch vụ thu nhập thấp hoặc buôn chuyến thì trừ những ngành nghề có điều kiện sẽ không phải thực hiện đăng ký kinh doanh (theo quy định tại Khoản 2 điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
Dưới góc nhìn của pháp luật, sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân đã được làm rõ qua các quy định của Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Luật Doanh nghiệp 2020. Việc hiểu và áp dụng đúng các quy định này sẽ giúp cá nhân và hộ gia đình thực hiện các hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp và hiệu quả. Đồng thời, sự nhận biết rõ ràng về tính chất và quyền lợi của mỗi hình thức kinh doanh cũng là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.