Điều kiện thanh toán và xử lý các cổ phần được mua lại được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, việc mua lại cổ phần của công ty cổ phần phải tuân thủ các điều kiện và quy trình cụ thể.
Đối với hoạt động mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông hay theo quyết định của công ty thì việc tiến hành thanh toán đều có thể gây ảnh hưởng đến nguồn vốn của công ty. Do đó, pháp luật doanh nghiệp đặt ra các điều kiện thanh toán và xử lý các cổ phần được mua lại theo nguyên tắc phải đảm bảo các nghĩa vụ trả nợ. Cụ thể:
Thứ nhất, điều kiện tiến hành thanh toán cổ phần được mua lại. Khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau: “Công ty chỉ được thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.”
Theo đó, có thể thấy công ty phải ưu tiên thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính hơn là thanh toán cổ phần của chủ sở hữu. Tuy nhiên, phải hiểu rằng đây không phải quy định miễn trừ nghĩa vụ thanh toán cổ phần được mua lại. Khi khả năng tài chính được phục hồi đảm bảo thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác thì công ty vẫn phải thanh toán cổ phần mua lại cho cổ đông. Chỉ khi công ty chính thức mất khả năng thanh toán và trong quá trình giải quyết theo thủ tục phá sản thì mới không thể tham gia vào các giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ tài chính này.
Trong trường hợp không đáp ứng điều kiện để cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần nhưng công ty vẫn đồng ý mua lại và thanh toán cho cổ đông, khi phát hiện sai phạm, cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản đã nhận. Nếu cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả các thành viên Hội đồng quản trị cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại (Điều 136 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu được quy định như thế nào?
Thứ hai, xử lý cổ phần được mua lại. Khoản 2,3,4 Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định việc xử lý cổ phần được mua lại như sau:
– Cổ phần mua lại theo yêu cầu của cổ đông hoặc mua lại theo quyết định của công ty được coi là cổ phần chưa bán. Do đó, số cổ phần đã bán của công ty bị giảm vì vậy công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại. Thời hạn để thực hiện thủ tục này là 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
– Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử được cấp cho cổ đông để xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty. Khi công ty đã mua lại thì cổ đông không còn là chủ sở hữu của một hoặc một số cổ phần đó nữa. Theo đó, cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần đã được mua lại phải được tiêu hủy ngay sau khi cổ phần tương ứng đã được thanh toán đủ. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy cổ phiếu.
– Sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, nếu tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10% thì công ty phải thông báo cho tất cả chủ nợ biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần được mua lại. Việc giá trị tài sản công ty giảm hơn 10% có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp đối với các chủ nợ, vì thế việc thông báo tới các chủ nợ trong trường hợp này là cần thiết.
Xem thêm: Quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của cổ đông được quy định như thế nào tại đây