Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung, tại Điều 14, đã quy định tác phẩm nhiếp ảnh là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
Trách nhiệm đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan:
Căn cứ theo Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung, “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Như vậy, tác phẩm nhiếp ảnh được bảo hộ quyền tác giả ngay từ khi hình thành dưới dạng bức ảnh hoặc đang được lưu trữ trong máy ảnh, điện thoại,… mà không nhất định phải đăng ký quyền tác giả. Tuy nhiên, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình, quý khách vẫn nên thực hiện các thủ tục để được cấp giấy chứng quyền tác giả như một căn cứ có giá trị pháp lý cao.
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả được quy định tại Điều 39 Nghị định 17/2023/NĐ-CP bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (theo mẫu) do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;
- 02 bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử)
- Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền
- Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền:
- Tài liệu chứng minh nhân thân đối với cá nhân: 01 bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;
- Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức: 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định thành lập;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo là quyết định giao nhiệm vụ hoặc xác nhận giao nhiệm vụ cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức đó;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao kết hợp đồng sáng tạo là hợp đồng, thể lệ, quy chế tổ chức cuộc thi;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được thừa kế là văn bản xác định quyền thừa kế có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được chuyển giao quyền là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả phải có văn bản cam đoan về việc tự sáng tạo và sáng tạo theo quyết định hoặc xác nhận giao việc; hợp đồng; tham gia cuộc thi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.
- Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo quy định tại khoản này phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung;
- Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Hồ sơ phải được làm bằng tiếng Việt, trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt.
Trình tự thực hiện đăng ký quyền tác giả:
-
Bước 1: Nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Cục bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật.
Hình thức nộp: trực tiếp, qua dịch vụ bưu điện hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
-
Bước 2: Trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.
Kết quả:
- Giấy chứng nhận quyền tác giả có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Phí và lệ phí: 100.000VNĐ (Thông tư 211/2016/TT-BTC)
Thời hạn bảo hộ:
(Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ)
- Các quyền nhân thân bao gồm quyền đặt tên cho tác phẩm, đứng tên hoặc bút danh, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm,… được bảo hộ vô thời hạn
- Quyền công bố tác phẩm, cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản (quyền làm tác phẩm phái sinh,…) có thời hạn bảo hộ như sau:
- Tác phẩm nhiếp ảnh có thời hạn bảo hộ là 70 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.
- Trong trường hợp tác phẩm nhiếp ảnh chưa được công bố trong thời hạn 20 năm kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm (tính từ khi tác phẩm được định hình)
- Tác phẩm khuyết danh, khi thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết. Trường hợp có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.