Trả lời:
Theo Điều 66 Luật đầu tư 2020 quy định về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài như sau:
“Điều 66. Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài
- Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- a) Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
- b) Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;
- c) Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 65 của Luật này.
- Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.”
Theo quy định trên có thể chia làm hai thời điểm chuyển vốn ra nước ngoài như sau:
Một là, Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Nhà đầu tư được quyền chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho một số hoạt động nhằm hình thành dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Ví dụ như các hoạt động nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực; nghiên cứu tài liệu; thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án đầu tư… Ngoài ra, thủ tục chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để hình thành dự án đầu tư còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng liên quan tới ngoại hối, xuất khẩu, hải quan, công nghệ. Nhà đầu tư phải mở một tài khoản ngoại tệ trước đầu tư. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì tài khoản ngoại tệ trước đầu tư trở thành tài khoản vốn đầu tư và phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Khoản 2 Điều 82 Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư ra nước ngoài như sau:
“2. Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, bao gồm:
- a) Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư;
- b) Khảo sát thực địa;
- c) Nghiên cứu tài liệu;
- d) Thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án đầu tư;
đ) Tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư;
- e) Tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học;
- g) Thành lập và hoạt động của văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án đầu tư;
- h) Tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án đầu tư;
- i) Tham gia mua bán, sáp nhập công ty, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên bán công ty hoặc theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư;
- k) Đàm phán hợp đồng;
- l) Mua hoặc thuê tài sản hỗ trợ cho việc hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài.”
Nhà đầu tư cần lưu ý đến hạn mức chuyển ngoại tệ không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 30 nghìn đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Trường hợp chuyển vốn bằng máy móc, thiết bị và hàng hóa ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật Hải quan. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc chuyển máy móc, thiết bị và hàng hóa ra nước ngoài để thực hiện một số hoạt động đầu tư trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Hai là, Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Nhà đầu tư được quyền chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài nếu đáp ứng 3 điều kiện sau:
– Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
– Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép
– Có tài khoản vốn tại Việt Nam
Bên cạnh các điều kiện nêu trên được thực hiện bất cứ giao dịch ngoại hối nào nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể:
+ Ngân hàng nhà nước xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài đối với nhà đầu tư là tổ chức tín dụng.
+ Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng có trụ sở chính hoặc nơi nhà đầu tư là cá nhân đăng ký thường trú hoặc nơi nhà đầu tư khác đăng ký kinh doanh xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư không phải là tổ chức tín dụng.
Như vậy, việc thực hiện các giao dịch chi trên tài khoản vốn đầu tư cần phải được ngân hàng nhà nước trực chấp thuận thông qua trình tự. Nhà đầu tư cần gửi hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối trên ngân hàng nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Ngân hàng Nhà nước sẽ xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Trong trường hợp có sự thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư phải thực hiện thông báo bằng văn bản với cơ quan xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan trong thời hạn 30 ngày.
Cơ quan nào có thẩm quyền chấp thuận hoạt động đầu tư ra nước ngoài?