Các loại cổ phần trong Công ty cổ phần
Trả lời:
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến khái niệm “cổ phần” trong môi trường doanh nghiệp, nhưng liệu bạn có biết rằng có nhiều loại cổ phần khác nhau không? Hãy cùng nhau tìm hiểu về những loại cổ phần này để hiểu rõ hơn về cơ cấu tổ chức và quản lý của Công ty Cổ phần!
Trước hết cần phải hiểu về khái niệm cổ phần.
Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Ví dụ: Vốn điều lệ của Công ty cổ phần là 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng) được chia thành 100.000 phần bằng nhau. Như vậy, công ty sẽ có 100.000 cổ phần và mỗi cổ phần có mệnh giá là 10.000 đồng. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành, cổ phần của Công ty cổ phần có thể chia làm 2 loại: Cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Cụ thể:
Thứ nhất, về cổ phần phổ thông: Đây là loại cổ phần bắt buộc phải có trong Công ty cổ phần. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi sang cổ phần ưu đãi và mỗi cổ phần phổ thông sẽ có một phiếu biểu quyết. Quyền biểu quyết được thực hiện trực tiếp hoặc thông qua người đại diện ủy quyền.
Người sở hữu cổ phần phổ thông được tự do chuyển nhượng, trừ một số trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp 2020.
Thứ hai, về cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
– Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả với mức cổ tức cao hơn so với cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Đại hội đồng cổ đông hoặc điều lệ công ty sẽ quyết định người sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo quy định của đại hội đồng cổ đông. Người sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức được quyền chuyển nhượng, nhưng không có quyền biểu quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020.
– Cổ phần ưu đãi hoàn lại là loại cổ phần được yêu cầu công ty hoàn lại vốn. Việc hoàn lại được thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc theo các điều kiện khác thuộc điều lệ công ty. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 114 và khoản 6 Điều 148 của Luật Doanh nghiệp 2020.
– Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần phổ thông nhưng có phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông khác. Số phiếu biểu quyết của cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ được quy định theo điều lệ công ty. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền hoặc cổ đông sáng lập công ty mới được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Đây cũng là loại cổ phần có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
Cổ phần ưu đãi biểu quyết chỉ được quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông. Người sở hữu loại cổ phần này không có chuyển nhượng cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, do tòa án quyết định hoặc thừa kế.
– Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán. Theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì điều lệ công ty được phép quy định các loại cổ phần ưu đãi khác. Như vậy, trong trường hợp công ty muốn thực hiện phát hành một loại cổ phần ưu đãi chưa được quy định trong Luật Doanh nghiệp thì điều lệ công ty cần có quy định cụ thể cho loại cổ phần ưu đãi đó.
Qua việc hiểu rõ về các loại cổ phần này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan và hiểu rõ hơn về cách mà một công ty cổ phần tổ chức cổ đông và quản lý cổ phần.