Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 38 Luật Đầu tư 2020 quy định  Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Cụ thể, khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm:

– Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020;

– Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020;

– Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020;

– Kinh doanh mại dâm;

– Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

– Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

– Kinh doanh pháo nổ;

– Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Thứ hai, có địa điểm thực hiện dự án đầu tư. Theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 11 Luật đầu tư 2020, Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, lựa chọn địa điểm thực hiện dự án đầu tư là một nội dung quan trọng mà các nhà đầu tư phải thực hiện, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, địa điểm thực hiện dự án đầu tư còn là cơ sở để nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đầu tư 2020 và khoản 2 Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Theo đó, danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư được quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Thứ ba, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 của Luật Đầu tư 2020. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ “đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có)”. Nội dung này được hướng dẫn chi tiết tại khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

Thứ tư, Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có). Đây là quy định mới của Luật đầu tư 2020. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (nếu có). Còn về số lượng lao động, nhà đầu tư cần căn cứ vào mục đích, quy mô, vốn đầu tư để lựa chọn phù hợp.

Thứ năm, Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được ban hành tại Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Theo khoản 3 Điều 9 Luật Đầu tư 2020, các điều kiện tiếp cận thị trường bao gồm:

– Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

– Hình thức đầu tư;

– Phạm vi hoạt động đầu tư;

– Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

– Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư

Bài viết liên quan
0988292673
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon