Các trung tâm nghệ thuật có thể được kể đến như: trung tâm mỹ thuật, trung tâm dạy đàn, trung tâm dạy múa,…Hoạt động của các trung tâm này hiện nay có thể được coi là hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá. Vì vậy, việc thành lập trung tâm được tiến hành theo các quy định tại Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT.
Thủ tục thành lập trung tâm nghệ thuật tại Việt Nam bao gồm nhiều bước và phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, giáo dục và các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Dưới đây là các bước cơ bản để thực hiện thủ tục thành lập một trung tâm nghệ thuật:
Lưu ý: Bài viết sau đây chỉ bàn tới việc thành lập trung tâm nghệ thuật của các đối tượng là doanh nghiệp (không bao gồm các trung tâm thuộc tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan đến hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá).
Để thành lập và hoạt động trung tâm nghệ thuật, trước tiên, cần thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2020 và phải đăng ký hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập trung tâm nghệ thuật cần xin cấp phép hoạt động. Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động được thực hiện theo Điều 7 Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT.
Thứ nhất, về thẩm quyền cấp phép: Giám đốc sở giáo dục và đào tạo có thẩm quyền cấp phép hoạt động đối với các doanh nghiệp có nhu cầu thành lập trung tâm nghệ thuật.
Thứ hai, về thành phần hồ sơ:
- Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (bản chính)
Nội dung tờ trình nêu rõ: mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm, tổ chức bộ máy, tài chính và các nguồn lực khác; cam kết đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nghiêm túc quy định của các cấp quản lý nơi tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa;
- Giấy phép đăng ký kinh doanh (bản sao)
- Danh sách, lý lịch trích ngang kèm theo các minh chứng hợp lệ về ban lãnh đạo, các giáo viên, huấn luyện viên, báo cáo viên (ghi rõ họ tên, trình độ học vấn, chức vụ, nghề nghiệp, năng lực sư phạm và am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan) tham gia tổ chức và thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (bản chính);
- Kế hoạch hoạt động, giáo trình, tài liệu giảng dạy, huấn luyện.
Thứ ba, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động:
- Người đại diện cho đơn vị lập hồ sơ xin cấp phép gửi cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép; gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính.
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra các điều kiện hoạt động để quyết định cấp phép hoặc không cấp phép. Trường hợp không đồng ý cấp phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Ngoài ra, trung tâm nghệ thuật cần đáp ứng các điều kiện thành lập sẽ được bàn tới ở bài viết sau.