Trả lời:
Kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng) là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Căn cứ theo Điều 34 và Điều 28 Luật an toàn thực phẩm 2010, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh dịch vụ ăn uống cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và có đăng ký ngành nghề kinh doanh doanh thực phẩm.
- Đáp ứng các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định tại Điều 28 Luật này.
- Được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bước 1: Đăng ký kinh doanh
Theo đó, trước hết để kinh doanh nhà hàng cần thực hiện đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Đối với kinh doanh nhà hàng, mã ngành nghề dịch vụ ăn uống được quy định trong Hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg. Các mã ngành dịch vụ ăn uống cần lưu ý khi đăng ký hộ kinh doanh hay đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể kể đến như:
Mã ngành | Nội dung |
5610 | Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ cố định hoặc lưu động. |
5630 | Dịch vụ phục vụ đồ uống. |
5621 | Cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng không thường xuyên với khách hàng. |
5629 | Dịch vụ ăn uống khác. |
Bước 2: Xin giấy phép cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm
Thứ nhất, về hồ sơ xin giấy phép cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Căn cứ theo Điều 36 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, hồ sơ xin Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bao gồm các giấy tờ sau:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Bản thiết kế mặt bằng cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định.
– Bản cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm do đơn vị sản xuất kinh doanh.
– Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại cơ sở do cơ quan y tế cấp quận/huyện trở lên cấp.
– Giấy xác nhận kiến thức về vệ sinh ATTP của chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại cơ sở.
– Giấy chứng thực về nguồn gốc nguyên liệu và kiểm định nguồn nước sử dụng.
Thứ hai, về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho quán ăn, nhà hàng, quán cafe, bếp ăn tập thể là Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Sở y tế.
– Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Sở y tế kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và xuống kiểm tra thực tế điều kiện đảm đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Sở y tế cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh.