Trả lời:
Chấp thuận chủ trương đầu tư là một bước quan trọng và cần thiết trong quy trình đầu tư, giúp đảm bảo rằng các dự án được triển khai một cách hợp pháp, hiệu quả và bền vững. Việc hiểu rõ quy trình này sẽ giúp các nhà đầu tư nắm bắt được các yêu cầu và điều kiện cần thiết để triển khai dự án một cách thuận lợi.
Chấp thuận chủ trương đầu tư là gì?
Khoản 1 Điều 3 Luật đầu tư 2020 quy định về khái niệm chấp thuận chủ trương đầu tư như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.”
.Theo đó, có thể hiểu việc chấp thuận chỉ là chấp thuận về ý định và phương hướng để làm công việc nào đó. Việc chấp thuận này chưa phải là quyết định cuối cùng để dự án được triển khai trên thực tế. Việc chấp thuận đó phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Pháp luật có quy định cụ thể về cơ quan nào có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Tùy thuộc lĩnh vực, quy mô của dự án đầu tư mà mỗi loại dự án lại có cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư khác nhau. Nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư là chấp thuận các nhóm nội dung gồm:
+ Mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án;
+ Nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư;
+ Cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.
Vậy tại sao lại phải chấp thuận chủ trương đầu tư mà không cấp luôn Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án, vì trong quá trình thẩm định hồ sơ đăng ký đầu tư, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng xem xét các khía cạnh của dự án rồi. Trên thực tế, không phải dự án nào cũng phải chấp thuận chủ trương đầu tư, mà chỉ một số loại dự án nhất định. Nhìn chung, các dự án cần thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư là các dự án quan trọng nên cần có sự chấp thuận của cơ quan quản lý cao nhất (Ví dụ: Quốc Hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân…), thay vì cơ quan quản lý chuyên môn.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầutư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Nội dung thẩm định để được chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:
– Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có);
– Đánh giá nhu cầu sử dụng đất;
– Đánh giá sơ bộ về hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án đầu tư; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư (nếu có);
Đánh giá về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định hoặc lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
– Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; sơ bộ phương án phân kỳ đầu tư bảo đảm yêu cầu đồng bộ; sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.