Các phương thức giải quyết tranh chấp trong thương mại
Trả lời:
Tranh chấp trong lĩnh vực thương mại là hiện tượng không tránh khỏi trong quá trình kinh doanh, đặc biệt là khi có sự va chạm giữa các bên về quyền và nghĩa vụ. Khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể lựa chọn giải quyết theo một số phương thức sau:
Tranh chấp trong thương mại là gì?
Tranh chấp trong thương mại là các tranh chấp giữa các thương nhân (cá nhân kinh doanh, tổ chức kinh doanh) với nhau về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.
Các phương thức giải quyết tranh chấp trong thương mại
Khi phát sinh tranh chấp, các bên có thể lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp như sau:
Thứ nhất, thương lượng giữa các bên. Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên tranh chấp sẽ chủ động gặp gỡ, bàn bạc, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự tham gia của bên thứ ba. Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng và hiệu quả và không tốn nhiều chi phí. Việc thực thi kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp mà không có bất kì cơ chế pháp lý nào bảo đảm việc thực thi của các bên trong quá trình thương lượng.
Thứ hai, Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba là hòa giải viên. Phương thức hòa giải có các đặc điểm sau:
– Hòa giải thể hiện sự thiện chí của các bên. Hoà giải là phương thức tốt để giải quyết tranh chấp một cách thân thiện nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển các quan hệ kinh doanh trong thời gian dài vì lợi ích chung của cả hai bên.
– Hòa giải còn kết hợp những yếu tố về văn hoá kinh doanh, mối quan hệ làm ăn giữa các bên. Hoà giải viên là người tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp đối thoại tự do, là người chuyển giao thông tin giữa các bên; giúp họ nhìn nhận được những điểm yếu/sai và điểm mạnh/đúng của mình cũng như của phía cùng đối thoại…..từ đó tự điều chỉnh lại quan điểm, lập trường thương lượng cho thích hợp
– Hoà giải được tiến hành nhanh gọn, chi phí thấp.
Thứ ba, giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án
– Đối với giải quyết tranh chấp tại Trọng tài: Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết với sự tham gia của bên thứ ba là Trọng tài viên nhằm giải quyết các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện. Đây là phương thức có tính linh hoạt, tạo quyền chủ động cho các bên. Các bên tranh chấp có quyền lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài do các bên thành lập hoặc bất kỳ trung tâm trọng tài nào mà hai bên tin tưởng. Để giải quyết tranh bằng trọng tài thì các bên tranh chấp phải có yêu cầu và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là các trọng tài viên thực hiện thông qua Hội đồng trọng tài gồm một trọng tài viên độc lập hoặc hội đồng gồm nhiều trọng tài viên. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại bảo đảm sự kết hợp hai yếu tố: thỏa thuận và phán quyết. Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp đảm bảo tính bí mật. Phán quyết của Trọng tài có tính chất chung thẩm. Đây là một ưu thế của trọng tài so với các hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải. Sau khi trọng tài đưa ra phán quyết thì các bên không có quyền kháng cáo trước bất kỳ một tổ chức hoặc Toà án nào (trừ trường hợp vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trọng tài). Các bên bắt buộc phải thi hành phán quyết trọng tài.
– Đối với giải quyết tranh chấp tại Tòa án: Giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp. tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước. Được đảm bảo tuân theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và bản án của tòa án sẽ được cưỡng chế thi hành bằng sức mạnh của nhà nước.
Trong lĩnh vực thương mại, việc giải quyết tranh chấp là một phần không thể thiếu. Các phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Việc lựa chọn phương thức phù hợp sẽ giúp các bên giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả và công bằng, đồng thời bảo vệ lợi ích của mỗi bên.