Trả lời:
Việc giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp giải thể trong các trường hợp nào?
Khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định bốn trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:
Một là, kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn. Theo đó, khi thành lập mới doanh nghiệp, các chủ thể đều đặt ra những mục tiêu nhất định và hoạch định một thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu đó. Thời hạn này sẽ được ghi trong Điều lệ công ty và khi thời hạn này kết thúc cũng là lúc các mục tiêu đã được hoàn thành, khi đó nếu các thành viên không xin gia hạn thì công ty sẽ tiến hành thủ tục giải thể.
Hai là, Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần. Đây là quyết định tự nguyện và chủ động từ phía chủ sở hữu doanh nghiệp khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mâu thuẫn nội bộ…dẫn đến việc hoạt động kinh doanh không còn hiệu quả và khó có thể tiếp tục.
Ba là, Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Có thể thấy, một trong những điều kiện pháp lý để công ty có thể tồn tại và hoạt động đó là công ty phải có đủ số lượng thành viên tối thiểu. Số lượng tối thiểu theo quy định đối với công ty cổ phần là 3, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là 2, đối với công ty hợp danh thì phải có ít nhất 2 thành viên hợp danh. Trong quá trình hoạt động, có thể vì bất cứ lý do khách quan hoặc chủ quan nào đó mà dẫn đến các thành viên không còn muốn tham gia góp vốn nữa dẫn đến công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp này, pháp luật quy định doanh nghiệp có thời hạn là 6 tháng liên tục để công ty kết nạp thêm thành viên hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Nếu quá thời hạn trên mà công ty không thực hiện theo quy định pháp luật thì công ty phải tiến hành thủ tục giải thể. Đây là một trong những trường hợp bắt buộc công ty phải giải thể khi công ty không thỏa mãn điều kiện tồn tại theo quy định của pháp luật.
Bốn là, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là căn cứ pháp lý cho sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật thì chế tài mà Nhà nước áp dụng đối với doanh nghiệp đó là doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp năm 2020 bao gồm:
“1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:
- a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
- b) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này thành lập;
- c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;
- d) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
đ) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.”
Việc quy định giải thể doanh nghiệp trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thể hiện vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp với các chủ thể liên quan, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp.
Lưu ý khi thực hiện giải thể doanh nghiệp
- Doanh nghiệp phải hoàn tất các nghĩa vụ tài chính, bảo hiểm xã hội, và các nghĩa vụ khác đối với người lao động và các bên liên quan trước khi giải thể.
- Quá trình giải thể cần tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật để tránh các rủi ro pháp lý.
Việc giải thể doanh nghiệp cần được thực hiện cẩn thận và tuân thủ đúng quy trình để đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan.
Doanh nghiệp bị cấm thực hiện các hoạt động nào khi thực hiện giải thể?