Thành lập hộ kinh doanh như thế nào?
Trả lời:
Việc thành lập hộ kinh doanh tại Việt Nam là một quá trình tương đối đơn giản và thuận tiện nếu bạn nắm rõ các quy định pháp luật và thực hiện đúng các bước cần thiết. Hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh phù hợp cho các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, cá nhân hoặc nhóm cá nhân với quy mô vừa và nhỏ.
Khái niệm hộ kinh doanh cá thể
Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp mà là một hình thức kinh doanh đơn giản, do một cá nhân hoặc các thành viên trong hộ gia đình đăng ký thành lập. Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về khái niệm hộ kinh doanh như sau: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện như sau
– Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh bao gồm các tài liệu
+ Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
+ Giấy tờ pháp lý cá nhân, thành viên hộ gia đình hoặc một nhóm người thành lập hộ kinh doanh;
+ Biên bản họp thành viên hộ gia đình (trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh);
+ Văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh (trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh).
– Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ: Hồ sơ được nộp tại Phòng tài chính – Kế hoạch nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính.
– Thời hạn xử lý hồ sơ: Trong thời gian 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh nếu hồ sơ hợp lệ.
Một số lưu ý khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh
Lưu ý khi đăng ký hoạt động hộ kinh doanh
* Tên hộ kinh doanh
Khi đặt tên cho hộ kinh doanh cần lưu ý:
– Tên phải bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau: Cụm từ “Hộ kinh doanh” + Tên riêng của hộ kinh doanh.
– Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
– Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
– Không sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”
* Trường hợp không phải đăng ký hộ kinh doanh
Trừ các trường hợp kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì các ngành nghề có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh như:
– Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;
– Người bán hàng rong, quà vặt;
– Buôn chuyến, kinh doanh lưu động;
– Kinh doanh thời vụ;
– Làm dịch vụ có thu nhập thấp.
– Mức thu nhập thấp được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định trên phạm vi địa phương.
Như vậy Thành lập hộ kinh doanh tại Việt Nam là một quy trình được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật hiện hành.
Có thể bạn quan tâm: Hộ kinh doanh có mã số thuế và có được sử dụng con dấu không?