Tùy theo loại hình doanh nghiệp và các đặc điểm cụ thể; mỗi doanh nghiệp có thể có các hình thức huy động vốn khác nhau. Nếu phân loại theo phương thức huy động thì hoạt động huy động vốn được chia thành: huy động vốn chủ sở hữu và huy động nợ.
Thứ nhất, huy động vốn chủ sở hữu
Huy động vốn chủ sở hữu là hoạt động của chủ doanh nghiệp trong thu hút tối đa nguồn vốn từ các bộ phận cấu thành vốn chủ sở hữu nhằm tăng quy mô vốn chủ sở hữu, đáp ứng cho nhu cầu hoạt động, phát triển của công ty. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp bao gồm: vốn góp ban đầu, lợi nhuận không chia, vốn từ phát hành cổ phiếu mới.
* Về vốn góp ban đầu
Vốn góp ban đầu là phần vốn hình thành do các chủ sở hữu đóng góp khi thành lập doanh nghiệp. Hình thức sở hữu sẽ quyết định tính chất và hình thức tạo vốn của doanh nghiệp. Ví dụ như doanh nghiệp Nhà nước có vốn góp ban đầu chính là vốn đầu tư của nhà nước, hay doanh nghiệp tư nhân có vốn góp ban đầu là vốn đầu tư của cá nhân là chủ sở hữu doanh nghiệp. Để huy động được nguồn vốn chủ sở hữu này, có thể áp dụng 2 cách đó là tăng tỷ lệ góp vốn của thành viên hay kết nạp thêm thành viên mới.
* Nguồn vốn từ lợi nhuận không chia
Lợi nhuận không chia được coi là một phần quan trọng của lợi nhuận sau thuế mà doanh nghiệp không phân phối cho cổ đông mà thay vào đó sử dụng để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh của chính mình. Việc tái đầu tư từ lợi nhuận không chia này giúp doanh nghiệp tăng cường nguồn vốn chủ sở hữu và mở rộng hoạt động kinh doanh, từ đó đạt được tăng trưởng và phát triển bền vững.
* Phát hành cổ phiếu mới:
Trong quá trình kinh doanh thì doanh nghiệp cũng có thể tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành cổ phiếu mới (bao gồm cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi) do thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn lớn cho mỗi doanh nghiệp niêm yết.
Thứ hai, huy động vốn nợ
Huy động vốn nợ từ: Tín dụng Ngân hàng; tín dụng thương mại; phát hành trái phiếu.
– Tín dụng ngân hàng: Tín dụng ngân hàng là giao dịch tài sản giữa Ngân hàng với bên đi vay (là các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nền kinh tế) trong đó Ngân hàng chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thoả thuận, và bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cả vốn gốc và lãi cho Ngân hàng khi đến hạn thanh toán. Tín dụng ngân hàng có nhiều hình thức thể hiện như: hợp đồng tín dụng từng lần, cho vay theo thời hạn mức tín dụng, thỏa thuận tín dụng tuần hoàn, cho vay đầu tư dài hạn,…
– Tín dụng thương mại: Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh với nhau dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa.
– Phát hành trái phiếu: là hình thức vay vốn, theo đó người vay phát hành một chứng chỉ nợ với cam kết trả cho người vay (người sở hữu trái phiếu) cả gốc và lãi khi đến hạn theo một mức lãi suất nhất định.
Tóm lại Doanh nghiệp có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, tùy thuộc vào cấu trúc, quy mô và mục tiêu kinh doanh của họ.
Lựa chọn cách thức huy động vốn đối với từng loại hình doanh nghiệp