Thủ tục tăng vốn của công ty TNHH hai thành viên trở lên được thực hiện như thế nào?
Tăng vốn cho công ty TNHH là thủ tục phổ biến sau một thời gian công ty đi vào hoạt động và có mong muốn mở rộng quy mô kinh doanh. Đối với hình thức công ty TNHH, công ty có thể tăng vốn thông qua các hình thức sau:
(Khoản 1 Điều 68 Luật doanh nghiệp 2020)
- Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới;
- Tăng vốn góp của thành viên;
Khi tăng vốn góp của thành viên, vốn góp thêm được chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.
Thành viên có thể chuyển nhượng quyền góp vốn của mình cho người khác theo quy định tại Điều 52 của Luật này.
Trường hợp có thành viên không góp hoặc chỉ góp một phần phần vốn góp thêm thì số vốn còn lại của phần vốn góp thêm của thành viên đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác.
Thủ tục tăng vốn:
Đối với việc tăng vốn thông qua tiếp nhận vốn góp của thành viên mới, cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Đối với việc tăng vốn do tăng thêm vốn góp của thành viên, cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ
Trường hợp 1: Tăng vốn do tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới
(Điều 52 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Bước 1: Thực hiện tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Danh sách thành viên phải bao gồm chữ ký của thành viên mới và thành viên có phần vốn góp thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên có phần vốn góp không thay đổi;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên về việc tiếp nhận thành viên mới;
- Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới của công ty;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp thành viên mới là cá nhân hoặc bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp thành viên mới là tổ chức.
- Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
Trường hợp 2: Tăng vốn góp của thành viên
(Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
Bước 1: Thực hiện tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới hoặc tăng vốn góp của thành viên.
Bước 2: Gửi hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh
Thành phần hồ sơ:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
Lưu ý: Khi đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm bổ sung thông tin còn thiếu về số điện thoại của doanh nghiệp trong hồ sơ. Nếu không bổ sung số điện thoại, hồ sơ đó sẽ bị coi là không hợp lệ.
Thời hạn gửi: Trong 10 ngày kể từ ngày việc tăng vốn điều lệ đã được thanh toán xong
Cơ quan tiếp nhận: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch Đầu tư
Thời hạn: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật thông tin về tăng vốn.
Lệ phí chung: 100.000 VNĐ
Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên