Nếu như ở thời kì các phương tiện di chuyển phát triển với nhiều thành tựu nổi bật, ngành du lịch được hưởng lợi cực lớn nhờ tốc độ di chuyển nhanh chóng, ít tốn kém thì đến giai đoạn hiện nay, cùng với sự bùng nổ của truyền thông, rất nhiều địa điểm nổi lên, thu hút lượng khổng lồ khách du lịch. Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú nhờ vậy cũng trên đà phát triển mạnh mẽ. Một trong những biện pháp để làm tăng sự uy tín của cơ sở lưu trú là đăng ký xếp hạng cơ sở.
Căn cứ theo Điều 50 Luật du lịch 2017, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc xếp hạng cơ sở lưu trú chỉ áp dụng với những loại hình lưu trú du lịch sau: Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thuỷ lưu trú du lịch. Hạng cơ sở lưu trú du lịch bao gồm: 01 sao, 02 sao, 03 sao, 04 sao, 05 sao. Căn cứ vào số lượng sao tăng dần có thể xác định được chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú.
Đối với các cơ sở lưu trú du lịch khác, không được xếp hạng, được đăng ký thẩm định cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch
Hồ sơ đăng ký công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch được quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật du lịch 2017, bao gồm:
- Đơn đề nghị công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch theo mẫu;
- Bản tự đánh giá chất lượng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định trong tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch;
- Danh sách người quản lý và nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và giấy chứng nhận thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch của người quản lý, trưởng bộ phận trong cơ sở lưu trú du lịch.
Trình tự thủ tục đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú
Bước 1: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là:
- Tổng cục Du lịch thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 04 sao và hạng 05 sao;
- Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 01 sao, hạng 02 sao và hạng 03 sao. Cơ quan chuyên môn tại tỉnh có thể là Sở Du lịch/Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ:
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung;
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với tổ chức xã hội – nghề nghiệp về du lịch thẩm định và ra quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; trường hợp không công nhận, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thời hạn: Quyết định có thời hạn 5 năm. Hết thời hạn, các cơ sở lưu trú du lịch phải đăng ký lại.
Phí và lệ phí: Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 34/2018/TT-BTC
STT | Tên phí | Mức thu (đồng/hồ sơ) |
1 | Thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch (bao gồm thẩm định, công nhận mới và thẩm định, công nhận lại) | |
a | Hạng 1 sao, 2 sao | 1.500.000 |
b | Hạng 3 sao | 2.000.000 |
c | Hạng 4 sao, 5 sao | 3.500.000 |
2 | Thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (bao gồm thẩm định, công nhận mới và thẩm định, công nhận lại) | 1.000.000 |
Lưu ý:
Các tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú được quy định chi tiết trong các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), ví dụ: TCVN 4391:2015 cho khách sạn, TCVN 7795:2009 cho nhà nghỉ, v.v.
Cơ sở cần tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về an ninh, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm để đạt xếp hạng.