Tài sản góp vốn của doanh nghiệp gồm những loại nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tài sản góp vốn của doanh nghiệp có thể bao gồm nhiều loại khác nhau. Việc xác định và quy định rõ ràng về các loại tài sản góp vốn giúp bảo vệ quyền lợi của các thành viên, cổ đông và đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.
Các loại tài sản góp vốn
Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn của doanh nghiệp như sau:
“1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
- Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, các loại tài sản góp vốn của doanh nghiệp bao gồm:
Thứ nhất, Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và vàng. Đây là một loại tài sản góp vốn phổ biến nhất hiện nay. Bởi đây là loại tài sản dễ xác định giá trị, không cần mất thời gian để tiến hành định giá và dễ dàng sử dụng.
Thứ hai, quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất có thể được doanh nghiệp sử dụng làm văn phòng trụ sở làm việc hoặc đưa vào sản xuất, kinh doanh. Đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì quyền sử dụng đất có thể đưa vào đầu tư kinh doanh thì càng có giá trị lớn. Tuy nhiên, các thủ tục cần phải thực hiện để góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đơn giản và nhanh gọn như góp vốn bằng đồng việt nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi. Bên cạnh đó, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất cần đáp ứng các điều kiện sau đây
– Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
+ Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai 2013.
+ Đất không có tranh chấp;
+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
+ Trong thời hạn sử dụng đất.
Thứ ba, quyền sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ cũng được coi là một loại tài sản quan trọng đối với doanh nghiệp. Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại… được hình thành từ quá trình lao động trí óc. Đây là một loại tài sản vô hình, do đó nó không thể cầm nắm được và cũng không thể chiếm hữu được về mặt vật lý. Tuy nhiên, vẫn có thể được định giá bằng tiền có thể trao đổi tương tự như tài sản hữu hình. Ngày nay, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được ứng dụng nhiều và trở thành một trong những loại tài sản vô cùng quan trọng của doanh nghiệp.
Thứ tư, công nghệ, bí quyết kỹ thuật. Bí quyết được hiểu là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ. Bí quyết bao gồm bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ. Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Tương tự như quyền sở hữu trí tuệ, đây cũng là một loại tài sản vô hình, việc sở hữu loại tài sản này mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường.
Thứ năm, các tài sản khác có thể được định giá bằng đồng Việt Nam. Khi mà đời sống vật chất xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp, các hình thức tài sản con người có được ngày càng phong phú. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn tài sản góp vốn cũng như tự do thỏa thuận xác định những loại tài sản được góp vốn của các chủ thể muốn góp vốn kinh doanh.
Xem thêm: Định giá tài sản góp vốn được quy định như thế nào?
Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn kinh doanh, hạn chế tình trạng các tổ chức, cá nhân sử dụng tài sản có nguồn gốc không rõ ràng, bất hợp pháp góp vốn vào công ty nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu sự trong sạch để trục lợi, gây phương hại đến lợi ích kinh tế của các chủ thể khác cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.
Việc góp vốn bằng tài sản là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển doanh nghiệp. Các loại tài sản góp vốn phong phú và đa dạng, từ tiền mặt, ngoại tệ, vàng, đến các quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác. Quá trình định giá tài sản góp vốn phải được thực hiện cẩn thận, đảm bảo tính minh bạch và khách quan, góp phần bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên tham gia góp vốn.
Có thể bạn quan tâm: Các phương thức huy động vốn của doanh nghiệp