Điều kiện cấp giấy phép trò chơi điện tử G1

Điều kiện cấp giấy phép trò chơi điện tử G1 được quy định như thế nào? Chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 là một giấy phép cần thiết đối với các doanh nghiệp muốn kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến có nội dung và kịch bản mà người chơi có thể tương tác với nhau và với hệ thống máy chủ của doanh nghiệp. Để được cấp giấy phép này, doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam

Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1).

Điều kiện được cấp Giấy phép trò chơi điện tử G1

Để được cấp giấy phép cung cấp trò chơi điện tử G1, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP quy định điều kiện được cấp Giấy phép trò chơi điện tử G1 bao gồm:

  • Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng;
  • Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ;
  • Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động và theo quy định tương ứng tại Điều 32a, 32b Nghị định này. Cụ thể:

–  Điều kiện về tổ chức, nhân sự cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1:

+ Có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng và liên hệ được.

+ Có ít nhất 01 nhân sự quản trị trò chơi điện tử

– Điều kiện về kỹ thuật cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1:

+ Hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử cho tất cả các trò chơi của doanh nghiệp bảo đảm đáp ứng các Điều kiện sau:

  • Có khả năng lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân của người chơi bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ đăng ký thường trú; số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp người chơi dưới 14 tuổi và chưa có chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp của người chơi quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của người giám hộ để thể hiện sự đồng ý và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó.
  • Hệ thống quản lý thanh toán cho các trò chơi điện tử của doanh nghiệp phải đặt tại Việt Nam và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán của Việt Nam, bảo đảm cập nhật, lưu trữ chính xác, đầy đủ và cho phép người chơi có thể tra cứu được thông tin chi tiết về tài Khoản thanh toán của mình;
  • Quản lý thời gian chơi của người chơi từ 00h00 đến 24h00 hàng ngày và bảo đảm tổng thời gian chơi tất cả các trò chơi điện tử G1 của một doanh nghiệp đối với mỗi người chơi dưới 18 tuổi không quá 180 phút trong 24 giờ mỗi ngày;
  • Hiển thị liên tục được kết quả phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo trò chơi, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử; có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị của người chơi trong suốt quá trình chơi.

– Có biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý nội dung diễn đàn trò chơi (nếu có), tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 23d Nghị định này. Cụ thể:

+ Điều kiện về quản lý thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp.

  • Có quy trình quản lý thông tin công cộng: Xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, cơ chế quản lý, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải;
  • Có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn;
  • Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm Khoản 1 Điều 5 Nghị định này chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email).

+ Điều kiện về quản lý thông tin đối với mạng xã hội:

  • Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp theo các quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 23 đ Nghị định này và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội;
  • Bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội;
  • Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm Khoản 1 Điều 5 Nghị định này chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email);
  • Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng;
  • Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.

– Có phương án dự phòng về thiết bị và kết nối, phương án sao lưu dữ liệu để bảo đảm an toàn hệ thống khi có sự cố xảy ra.

– Có phương án bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bí mật thông tin cá nhân của người chơi.

  • Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi điện tử G1 được quy định như thế nào?

Bài viết liên quan
0988292673
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon