Ca sĩ, những chủ thể không phải là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của ca khúc có thể được tác giả cho phép thực hiện những quyền nào? Cần lưu ý điều gì?
Kể từ khi ngành công nghiệp âm nhạc phát triển, việc các ca sĩ, nghệ sĩ trình diễn tác phẩm do người khác sáng tác đã trở nên phổ biến. Cũng vì lẽ đó, vấn đề tác quyền khi trình diễn những ca khúc này lại càng được quan tâm hơn. Làm thế nào để việc trình diễn, ghi âm, ghi hình không gây phương hại tới quyền của tác giả bài hát là một vấn đề ngày càng đóng vai trò quan trọng không chỉ với người sáng tác, chủ sở hữu, ca sĩ và các bên liên quan mà còn với cả người thưởng thức.
Nghệ sĩ, những người không phải tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có thể được thực hiện những hoạt động nào?
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, trong đó, hầu hết những quyền mà người biểu diễn và những người không phải tác giả hoặc chủ sở hữu có thể được phép thực hiện thuộc nội dung của quyền tài sản.
Ví dụ: Ca sĩ có thể biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
Công ty truyền thông, chương trình truyền hình có thể phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;
Hoặc có thể làm các tác phẩm phái sinh như dịch tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác hoặc cả biên ca khúc.
Về vấn đề xin phép:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Lưu ý: Việc làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng tới các quyền nhân thân của tác giả, bao gồm: quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên hoặc bút danh và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, cần phải được tác giả đồng ý bằng văn bản.
Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm
Căn cứ theo khoản 1 Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ, những trường hợp này bao gồm:
Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ;
Trường hợp tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ví dụ: Hiện nay, rất nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả uỷ quyền cho VCPMC – Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thực hiện thủ tục này. Nghệ sĩ khi thuộc trường hợp không cần xin phép trên, khi có nhu cầu trình diễn tác phẩm, có thể thực hiện theo quy định và đóng phí tại trung tâm.
Thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được quy định như thế nào?