Để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bạn cần tuân thủ các quy định về đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan. Dưới đây là các điều kiện chính để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam:
Trên thực tế, có 2 trường hợp thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới có vốn của người nước ngoài
- Người nước ngoài đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế sẵn có.
Bài viết dưới đây sẽ làm về trường hợp thứ nhất “Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới có vốn của người nước ngoài”. Điều kiện thành lập tổ chức kinh tế mới có vốn của người nước ngoài bao gồm:
Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài cần quan tâm tới ngành nghề kinh doanh, bao gồm: Ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6 Luật đầu tư 2020) và Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Điều 9 Luật đầu tư 2020).
- Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
- Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; (Mục A Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP)
- Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. (Mục B Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP)
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật đầu tư 2020.
Thứ hai, đối với các ngành nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành nghề cấm và ngành nghề hạn chế kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài, Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật đầu tư 2020;
Nhìn chung, nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập tổ chức kinh tế cần đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường như sau:
Một là, điều kiện về chủ thể và quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài
Là cá nhân trên 18 tuổi, tổ chức, doanh nghiệp mang quốc tịch là thành viên của WTO hoặc có ký điều ước song phương liên quan đến đầu tư với Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Việt Nam một số ngành nghề chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài là pháp nhân mới có thể đầu tư tại Việt Nam). Hiện nay, đối với các nhà đầu tư là cá nhân mang hộ chiếu có “đường lưỡi bò” sẽ không thể góp vốn đầu tư tại Việt Nam hoặc đứng tên người đại diện quản lý phần vốn góp của tổ chức, người đại diện theo pháp luật của công ty được thành lập tại Việt Nam.
Hai là, điều kiện về năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài
Có năng lực tài chính để đầu tư và chứng minh được năng lực tài chính đầu tư tại Việt Nam.
Ba là, điều kiện về trụ sở công ty dự định đăng ký và địa điểm thực hiện dự án
- Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thông qua hợp đồng thuê địa điểm, hợp đồng thuê nhà, thuê đất và giấy tờ nhà đất hợp pháp của bên cho thuê để làm trụ sở công ty và địa điểm thực hiện dự án.
- Đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nhà đầu tư phải chứng minh đủ điều kiện cho thuê nhà xưởng và có hợp đồng thuê nhà xưởng trong các cụm, khu công nghiệp.
Bốn là, điều kiện về năng lực kinh nghiệm và các điều kiện đặc thù theo lĩnh vực đầu tư
- Đáp ứng các điều kiện cụ thể đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài (Điều 9 Luật đầu tư 2020):
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
- Hình thức đầu tư;
- Phạm vi hoạt động đầu tư;
- Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
- Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Đối với một số lĩnh vực như thương mại, bán buôn bán lẻ hàng hóa nhà đầu tư cần chứng minh có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư.