Doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh khi nào?
Trả lời:
Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các trường hợp doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh bao gồm:
(i) Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật.
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020). Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm 227 ngành, nghề được quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020. Theo đó, về ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ bao gồm điều kiện về vốn, điều kiện về chứng chỉ hành nghề, điều kiện về giấy phép con, điều kiện về đủ điều kiện hoạt động.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau đây:
– Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;
– Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
– Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;
– Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
– Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
– Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều kiện kinh doanh không chỉ là những yêu cầu để gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp mà còn là những yêu cầu mà doanh nghiệp phải duy trì trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Khi doanh nghiệp không còn đáp ứng được các điều kiện này, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh.
(ii) Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định pháp luật quản lý thuế, môi trường và quy định pháp luật có liên quan, trong một số trường hợp vi phạm pháp luật như xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, vi phạm hành chính về hóa đơn của doanh nghiệp… cơ quan nhà nước đưa ra quyết định tạm ngừng kinh doanh. Doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng kinh doanh trong một thời gian nhằm ngăn chặn tiếp diễn hành vi, khắc phục hậu quả
(iii) Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại là trong những hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội, ngoài ra Tòa án có thể tuyên hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định…