Trả lời:
Tác phẩm âm nhạc là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Quyền tác giả tác phẩm âm nhạc được phát sinh ngay khi tác phẩm được hình thành và thể hiện ra bằng hình thức nhất định mà không cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để có căn cứ chứng minh quyền sở hữu tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nếu có xảy ra tranh chấp thì việc đăng ký bản quyền âm nhạc là rất cần thiết để được pháp luật bảo hộ về tác phẩm của mình. Theo đó, việc đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được thực hiện như sau:
Thứ nhất, về thành phần hồ sơ. Điều 39 Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc bao gồm:
– Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (theo mẫu) do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;
– 02 bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử) hoặc 02 bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;
– Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Nghị định này;
– Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền:
+ Tài liệu chứng minh nhân thân đối với cá nhân: 01 bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;
+ Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức: 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định thành lập;
+ Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo là quyết định giao nhiệm vụ hoặc xác nhận giao nhiệm vụ cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức đó;
+ Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao kết hợp đồng sáng tạo là hợp đồng, thể lệ, quy chế tổ chức cuộc thi;
+ Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được thừa kế là văn bản xác định quyền thừa kế có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
+ Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được chuyển giao quyền là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả phải có văn bản cam đoan về việc tự sáng tạo và sáng tạo theo quyết định hoặc xác nhận giao việc; hợp đồng; tham gia cuộc thi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.
+ Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo quy định tại khoản này phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực;
– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung;
Thứ hai, về thủ tục đăng ký bản quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.
Bước 1: Nộp hồ sơ tại Cục Bản quyền tác giả
Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đầy đủ và nộp tại Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội
Bước 2: Xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.
Thứ ba, về lệ phí đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc. (Thông tư 211/2016/TT-BTC)
Lệ phí đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là 100.000 đồng/tác phẩm.