Trả lời:
Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là tình trạng khi một doanh nghiệp không có đủ khả năng tài chính để thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính đến hạn của mình. Điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm quản lý tài chính kém, doanh thu không đủ để bù đắp chi phí, hoặc gặp phải các rủi ro kinh doanh ngoài tầm kiểm soát. Dưới đây là một số điểm chính liên quan đến mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp:
Khái niệm doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Khái niệm mất khả năng thanh toán được định nghĩa trong Luật Phá sản năm 2014 như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
- Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.”
Tiêu chí xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán
Theo đó, xác định một doanh nghiệp hay hợp tác xã mất khả năng thanh toán phụ thuộc vào 02 tiêu chí sau đây:
Thứ nhất, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Luật Phá sản 2014 quy định mất khả năng thanh toán tức là doanh nghiệp, hợp tác xã “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” mà không phải là “không có khả năng thanh toán”. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất về khái niệm mất khả năng thanh toán trong Luật Phá sản năm 2014 so với Luật Phá sản năm 2004. Theo Luật Phá sản năm 2004, mất khả năng thanh toán không chỉ là hiện tượng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán được nợ mà nó còn thể hiện doanh nghiệp, hợp tác xã đang lâm vào tình trạng không thể trả được nợ trừ khi có sự can thiệp của Tòa án hoặc sự giúp đỡ của các chủ nợ. Nhưng việc quy định doanh nghiệp, hợp tác xã “không có khả năng thanh toán” là không chính xác, bởi doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng thanh toán nợ hay không, chỉ có thể căn cứ vào sổ sách, chứng từ. Chủ nợ chỉ có thể xác nhận rằng doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ, từ đó yêu cầu mở thủ tục phá sản, mà không thể kết luận rằng doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán nợ. Do đó, quy định như Luật Phá sản năm 2014 đã xác định chính xác và khách quan về doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bằng hành vi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, mất khả năng thanh toán không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn toàn cạn kiệt tài sản. Doanh nghiệp, hợp tác xã có thể còn rất nhiều tài sản mà vẫn mất khả năng thanh toán, chỉ vì tài sản đó không thể bán được, cho nên doanh nghiệp, hợp tác xã không có tiền để thanh toán các khoản nợ.
Thứ hai, về thời điểm xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã được xác định mất khả năng thanh toán là trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Việc quy định khoảng thời gian 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán là hợp lý. Đây là thời gian cần thiết để doanh nghiệp, hợp tác xã thay đổi lại yêu cầu của mình như có thể chuyển việc tuyên bố phá sản sang mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Việc sửa đổi về mốc tính thời hạn là “khi chủ nợ có yêu cầu” theo Luật Phá sản năm 2004 thành “kể từ ngày đến hạn thanh toán” thể hiện tính khách quan khi xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Việc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán hoàn toàn không phụ thuộc vào việc chủ nợ có yêu cầu thanh toán hay không, tức là không phụ thuộc vào hành vi đơn phương của chủ nợ mà phụ thuộc vào chính thời hạn thanh toán của khoản nợ. Nói cách khác, ngay cả khi chủ nợ không có yêu cầu, mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán khoản nợ sau 3 tháng kể từ ngày đến hạn, thì doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn bị xác định là mất khả năng thanh toán.
Hiểu rõ tình trạng mất khả năng thanh toán và các biện pháp ứng phó là điều quan trọng để doanh nghiệp có thể khắc phục tình hình, ổn định hoạt động và phát triển bền vững.