Đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ gì?
Trả lời:
Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông được quy định cụ thể tại Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể bao gồm các nhóm quyền sau đây:
Thứ nhất, nhóm quyền và nghĩa vụ liên quan đến quản trị Công ty.
– Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên: Khi có số thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát ít hơn số thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật thì Hội đồng quản trị phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông để bổ sung thay thế các vị trí còn thiếu để đảm bảo các hoạt động được diễn ra một cách hiệu quả.
– Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty: Điều lệ công ty là một trong những văn bản quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình tồn tại, phát triển và hoạt động mà công ty phải tuân theo. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của công ty và quyền lợi của các cổ đông, do sửa đổi bổ sung Điều lệ công ty phải do vậy Đại hội đồng cổ đông quyết định.
– Xem xét, xử lý vi phạm của thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty: Bất cứ thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát nào có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật hoặc quy chế quản trị nội bộ của công ty, gây thiệt hại cho công ty thì đều được đưa ra xem xét, lấy ý kiến tại Đại hội đồng cổ đông về mức độ vi phạm, những thiệt hại gây ra và chế tài xử phạt vi phạm.
– Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty. Việc tổ chức lại hay giải thể Công ty là những vấn đề quyết định đến sự phát triển, sự tổn tại của Công ty bởi vậy việc Quyết định tổ chức lại hay giải thể công ty cần do Đại Hội đồng cổ đông quyết định.
Thứ hai, nhóm quyền và nghĩa vụ về hoạt động của Công ty.
– Thông qua định hướng phát triển công ty: Định hướng phát triển của Công ty có vai trò quan trọng trong việc hoạch định các chính sách, kế hoạch kinh doanh để tối ưu lợi nhuận cho Công ty bởi vậy cần được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
– Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi nhận tại báo cáo tài chính gần nhất của công ty được kiểm toán. Điều lệ công ty có thể quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác.
Thứ ba, nhóm quyền và vốn và tài chính của Công ty.
– Đại hội đồng cổ đông có quyền quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại.
– Quyết định mức cổ tức thanh toán hằng năm của từng loại cổ phần. Mức cổ tức thanh toán hằng năm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi về vật chất của các cổ đông, do đó với tư cách là cơ quan có thẩm quyền quyết cao nhất, Đại hội đồng cổ đông phải là cơ quan trực tiếp quyết định vấn đề này.
– Đại hội đông có thẩm quyền thông qua báo cáo tài chính hàng năm của công ty. Báo cáo tài chính hàng năm của công ty là văn bản phản ánh đầy đủ tình trạng tài sản, tài chính cũng như kết quả kinh doanh của công ty và qua đó trở thành cơ sở cho các quyết định của cổ đông, cũng như làm cơ sở để tính toán thuế thu nhập của công ty.
– Quyết định việc công ty mua lại trên 10% (nhưng không vượt quá 30%) tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại.
– Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.