Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Luật Thương mại 2005
Trả lời:
Tiêu chí đấu thầu hàng hoá và dịch vụ, theo quy định của Luật Thương mại 2005, là một phần quan trọng của quá trình giao dịch thương mại. Đây không chỉ là cách để lựa chọn nhà cung cấp hàng hoá và dịch vụ tốt nhất mà còn là biện pháp để đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong môi trường kinh doanh.
Định nghĩa đấu thầu hàng hóa, dịch vụ
Điều 214 Luật Thương mại 2005 quy định: “Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hóa, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu).”
Theo đó, có thể thấy hoạt động đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hoạt động gắn liền với quan hệ mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ thương mại, có hai bên chủ thể chính tham gia đó là bên mời thầu và bên dự thầu, đây cũng chính là các bên mua và bán hàng hoá, dịch vụ. Đấu thầu chỉ được tổ chức khi thương nhân có nhu cầu mua sắm hàng hoá hoặc sử dụng dịch vụ với mục đích lựa chọn được người cung cấp hàng hoá, dịch vụ tốt nhất. Kết quả đấu thầu là cơ sở để các bên thương thảo hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và các chi tiết của hồ sơ dự thầu sẽ được đưa vào trong nội dung của hợp đồng.
Phân loại hoạt động đấu thầu
Thứ nhất, dựa trên tiêu chí hình thức đấu thầu:
– Đấu thầu rộng rãi: Là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu, phải công khai về các điều kiện cũng như thời gian tham dự. Bởi vậy mà ưu điểm của hình thức này là tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các bên dự thầu
– Đấu thầu hạn chế: là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số nhà thầu nhất định (có đủ kinh nghiệm và năng lực) dự thầu và không cần thông báo công khai mà trực tiếp gửi thư mời thầu cho từng nhà thầu được mời tham dự (tối thiểu 3 nhà thầu). Ưu điểm của hình thức này đó là nhanh chóng tìm được bên dự thầu đủ điều kiện.
Thứ hai, dựa trên tiêu chí phương thức đấu thầu:
– Đấu thầu 1 túi hồ sơ: Khi dự thầu, nhà thầu nộp các đề xuất về kỹ thuật và về giá cũng một thời điểm và trong cùng một túi hồ sơ để bên mời thầu xem xét và đánh giá chung.
– Đấu thầu 2 túi hồ sơ: các đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về giá có thể được nộp cùng thời điểm nhưng trong hai túi hồ sơ khác nhau, đề xuất kĩ thuật được đánh giá trước còn đề xuất về giá được đem ra xem xét với các nhà thầu đã đạt đề xuất về kỹ thuật.
Tóm lại, hoạt động đấu thầu hàng hoá và dịch vụ không chỉ là một phần quan trọng của quy trình giao dịch thương mại mà còn là biện pháp để tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và cạnh tranh.