Quy định về chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Trả lời:
Rủi ro trong hợp đồng mua bán là những mất mát, hư hỏng xảy ra đối với hàng hóa có thể do lỗi chủ quan của con người hoặc do các hiện tượng khách quan gây nên (do thời tiết, do tai nạn bất ngờ, do tính chất của hàng hóa,…). Những rủi ro này dù lớn hay nhỏ đều gây ảnh hưởng đến các chủ thể tham gia hợp đồng. Trước hết, nếu trong hợp đồng các bên đã thỏa thuận cụ thể về thời điểm chuyển rủi ro thì thời điểm chuyển rủi ro sẽ xác định như các bên đã thỏa thuận bởi pháp luật luôn tôn trọng sự tự thỏa thuận. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp các bên không thỏa thuận, không có quy định về thời điểm chuyển rủi ro này

Quy định về chuyển rủi ro trong mua bán hàng hóa

Thứ nhất, chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định. Điều 57 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

“Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua uỷ quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được uỷ quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hoá.”
Trong trường hợp này, thời điểm chuyển rủi ro trùng với thời điểm bên bán giao hàng cho bên mua, và bên mua hoặc người đại diện của bên mua nhận hàng. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp thời điểm bên bán giao hàng và thời điểm bên mua nhận hàng là trùng nhau nên phải xem xét từng trường hợp cụ thể để xác định một cách chính xác.

Thứ hai, chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định. Điều 58 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

“Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hoá và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hoá đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.”
Theo đó, trường hợp trong hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa, thì sẽ phát sinh thêm một hợp đồng khác: hợp đồng vận chuyển. Tùy vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, mà hợp đồng vận chuyển này có thể do bên bán hoặc bên mua ký kết. Dù cho bên nào thực hiện ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa, và qua bao nhiêu người vận chuyển, thì rủi ro về mất mát và hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.

Thứ ba, chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển. Điều 58 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

“Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu hàng hoá đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:
–  Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hoá;
–  Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hoá của bên mua.”
Theo đó, trường hợp người đang nắm giữ hàng hóa để giao mà không phải với vai trò là người vận chuyển thì rủi ro được chuyển cho bên mua nếu thuộc 1 trong 2 trường hợp sau đây:
(i) Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hóa;
(ii) Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa của bên mua. ;

Thứ tư, Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hoá đang trên đường vận chuyển. Điều 59 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

“Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.”
Tuy nhiên cần lưu ý, “hàng hóa đang trên đường vận chuyển” được hiểu là tại thời điểm giao kết hợp đồng, hàng hóa đang được di chuyển từ nơi này đến nơi khác, không có vị trí cố định, không phải là đối tượng trong hợp đồng đã giao kết và đang thuộc quyền sở hữu của bên bán. Rủi ro được chuyển qua cho bên mua ngay sau khi các bên giao kết hợp đồng.

Thứ năm, chuyển rủi ro trong các trường hợp khác. Điều 61 Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc chuyển rủi ro trong các trường hợp khác được quy định như sau:
“1. Trong trường hợp không được quy định tại các điều 57, 58, 59 và 60 của Luật này thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;
2. Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hoá không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hoá không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.”
Theo đó, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 57,58,59 và 60 thì rủi ro sẽ được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng.
Trong trường hợp hàng hóa không được xác định rõ ràng bằng mã kí hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kì cách thức nào khác, thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa không được chuyển giao cho bên mua.  Quy định này nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh giữa các bên sau khi mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa xảy ra, mà bên mua chưa thực hiện việc nhận hàng theo đúng thời gian thỏa thuận.
Bài viết liên quan
0988292673
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon