Luật Đầu tư 2020 định rõ các hình thức đầu tư và quy định liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về các hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020, cung cấp hướng dẫn và thông tin chi tiết giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ hội và thách thức trong lĩnh vực này.
Các hình thức đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 bao gồm:
1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
3. Thực hiện dự án đầu tư.
4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Thứ nhất, về hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế (khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020)
– Đối với Nhà đầu tư trong nước: Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;
– Đối với Nhà đầu tư nước ngoài: Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; Hình thức đầu tư; Phạm vi hoạt động đầu tư; Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; điều kiện khác….
Thứ hai, về hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 25 Luật Đầu tư 2020)
– Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
c) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
– Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
a) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
b) Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
c) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
d) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
Thứ ba, về hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế. Do không thành lập tổ chức kinh tế nên các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Thứ tư, về hình thức lựa chọn dự án đầu tư. Khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 quy định việc lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành thông qua một trong các hình thức sau đây:
+ Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
+ Chấp thuận nhà đầu tư .
Thứ tư, các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Đây là quy định thể hiện nguyên tắc “mở” trong việc xây dựng luật, tạo điều kiện cho các hình thức đầu tư, loại hình kinh tế mới xuất hiện trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm: Các bước quan trọng trong lập dự án đầu tư
Các hình thức đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 đã mang lại nhiều cơ hội mới và điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc hiểu rõ về các hình thức đầu tư và quy định mới nhất trong luật này là rất quan trọng để tận dụng và khai thác tối đa tiềm năng đầu tư tại Việt Nam.