Công chức, viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?

Trả lời:

Công chức, viên chức có được thành lập doanh nghiệp không? Để trả lời cho câu hỏi trên chúng ta cùng tìm hiểu thông qua các nội dung sau:

Công chức là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 quy định về công chức theo đó:
“Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Viên chức là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định về khái niệm viên chức theo đó:

“Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”

Công chức, viên chức có được quyền thành lập doanh nghiệp không?

Điểm b Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
“Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức”

Theo đó, các cá nhân là công chức, viên chức không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

Vậy cán bộ, công chức có được quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không?

Theo khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.”

Ngoài ra, tại Điều 20, Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định ngoài cán bộ, công chức không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, tại khoản 4, Điều 20, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn:

“ Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.”

Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp nhưng vẫn có thể được góp vốn vào doanh nghiệp, trừ trường hợp thuộc các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bài viết liên quan
0988292673
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon