Thủ tục thành lập trung tâm tin học được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Trung tâm tin học thuộc danh mục cơ sở giáo dục thường xuyên và được quy định chi tiết tại Mục 3 Chương IV Nghị định 46/2017/NĐ-CP. Khi thành lập trung tâm tin học, cần quan tâm tới 2 vấn đề: 1) Thủ tục thành lập trung tâm; 2) Điều kiện và thủ tục xin cấp phép hoạt động giáo dục.
Thứ nhất, về điều kiện thành lập và hoạt động trung tâm tin học:
Điều kiện thành lập vốn được quy định tại Điều 46 Nghị định 46/2017. Tuy nhiên, quy định này đã bị bãi bỏ theo Điều 2 Nghị định 135/2018/NĐ-CP. Như vậy, hiện nay không có quy định về các điều kiện thành lập trung tâm tin học. Theo đó, các trung tâm tin học hiện nay chỉ cần đáp ứng các điều kiện để hoạt động giáo dục quy định tại Điều 48 Nghị định 46/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Khoản 21 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP.
Cụ thể:
- Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm.
- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học, nguồn kinh phí phù hợp, bảo đảm chất lượng giáo dục theo kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô hoạt động của trung tâm.
Thứ hai, thủ tục thành lập trung tâm tin học:
Căn cứ Điều 47 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 20 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP, thủ tục thành lập bao gồm:
Thẩm quyền thành lập trung tâm tin học
- Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm quyết định thành lập trung tâm tin học trong khuôn viên nhà trường;
- Người đứng đầu tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được pháp luật cho phép thành lập các trung tâm đào tạo trực thuộc có thẩm quyền quyết định đối với các trung tâm tin học trực thuộc;
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập các trung tâm tin học trực thuộc; cho phép thành lập các trung tâm tin học thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên của trường và các trung tâm tin học trực thuộc trên .
Như vậy, thẩm quyền thành lập trung tâm tin học sẽ phụ thuộc vào địa điểm và người hoặc tổ chức quyết định thành lập.
Hồ sơ thành lập
- Tờ trình đề nghị thành lập trung tâm tin học;
- Đề án thành lập trung tâm tin học bao gồm các nội dung:
- Tên trung tâm
- Địa điểm đặt trung tâm
- Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm;
- Mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm;
- Chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo;
- Cơ sở vật chất của trung tâm;
- Cơ cấu tổ chức của trung tâm;
- Sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm Giám đốc trung tâm;
- Dự thảo nội quy tổ chức hoạt động của trung tâm tin học, tin học.
Trình tự thực hiện
- Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến người có thẩm quyền thành lập trung tâm tin học;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thành lập trung tâm tin có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra theo quy định;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập trung tâm tin học quyết định thành lập, cho phép thành lập nếu đủ điều kiện; nếu chưa quyết định thành lập thì có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do.
Thứ ba, về thủ tục để trung tâm tin học đi vào hoạt động:
Căn cứ Điều 49 Nghị định 46/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 20 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP, thủ tục cho phép hoạt động bao gồm:
Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục
- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trung tâm tin học là Trung tâm tin học trực thuộc tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và Trung tâm tin học trung tâm tin học thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên của trường);
- Giám đốc đại học, học viện; hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trung tâm tin học hoạt động trong khuôn viên của trường.
Hồ sơ đề nghị cấp phép
- Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục;
- Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp;
- Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm;
- Báo cáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; văn bản chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đất, nhà; nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm.
Trình tự thực hiện
- Trung tâm tin học gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến người có thẩm quyền quy định tại điểm a mục 2 (Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo, Giám đốc đại học, học viện; hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng);
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đúng quy định thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trung tâm;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định trên thực tế khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định và ghi kết quả vào biên bản thẩm định;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này quyết định cho phép trung tâm hoạt động giáo dục. Nếu chưa quyết định cho phép hoạt động giáo dục thì có văn bản thông báo cho trung tâm nêu rõ lý do.
Lưu ý: Trên thực tế, 2 thủ tục thành lập và xin cấp phép hoạt động có thể được thực hiện đồng thời. Ngoài ra, trung tâm còn cần phải thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy